Tạo sinh kế cho người dân từ cây sâm đất
Tham quan mô hình trồng sâm đất của Công ty cổ phần Sa Sâm Việt. Ảnh: Cẩm Trúc
Vốn đã từng làm khá đa dạng ngành nghề, anh Phù Tường Nguyên Dũng (TP. Bến Tre) đang lấn sân qua lĩnh vực nông nghiệp và chế biến. Sản phẩm anh chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực mới khá đặc biệt. Đó chính là cây dược liệu Sa Sâm Việt ở nơi đất giồng cát ven biển, thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Khoảng 2 năm nay, Sa Sâm Việt hay còn gọi là rau sâm, sâm đất được người dân ven biển khai thác khá mạnh nhằm phục vụ các điểm du lịch tại Thạnh Phú. Sâm chủ yếu được sử dụng lá để làm rau ăn với món lẩu hoặc được nấu làm nước uống với mục đích thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Hiện nay, giá rau sâm bình quân 30 – 40 ngàn đồng/kg.
Cũng trong thời gian này, vùng đất biển Thạnh Phú đang phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong những lần về đây, anh Nguyên Dũng đã tự hỏi “Sao bà con không lấy cây sâm đất trồng để nấu nước hay chế biến, đóng chai bán cho du khách sử dụng sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe mà chỉ bán đơn giản các loại nước uống đóng chai như nước suối, nước lọc, nước ngọt…”. Khi lấy về phân tích và sử dụng thử, anh mừng rỡ vì phát hiện ra sâm đất còn nhiều tính dược quý mà theo anh đó là sự “thần kỳ”. Bởi, chỉ trong vài ngày dùng thử, lá sâm giúp vợ anh xóa hết vết nám trên da mặt và giúp người mẹ già hơn 80 tuổi loại bỏ căn bệnh mất ngủ, sức khỏe tốt lên. Vậy là ý tưởng trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm đã thôi thúc anh thành lập Công ty cổ phần Sa Sâm Việt và liên kết người dân đất biển để tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất theo hướng hữu cơ.
Công ty cổ phần Sa Sâm Việt đã xây dựng hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng theo hướng hoàn toàn hữu cơ, khu thực nghiệm hiện nay được 1,5ha. Tới đây, công ty sẽ nhân rộng mô hình ra người dân, dự kiến khoảng 20ha, thuộc khu vực ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải để xây dựng chuỗi cung ứng, chỉ dẫn địa lý cho làng Sâm Việt và phát triển du lịch. Qua đó đưa thương hiệu Sa Sâm Việt trở thành một sản phẩm đặc thù, là sản vật của địa phương, đảm bảo thu nhập của người dân từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Chị Trần Thị Rỉ, chủ đất vùng trồng sâm cho anh Dũng phấn khởi nói: “Tôi cho doanh nghiệp thuê khoảng chục công đất để trồng sâm với giá 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, cả nhà gồm 3 người cũng đang làm việc tại đây cho doanh nghiệp với tổng mức thu nhập của gia đình khoảng 20 triệu đồng nữa. Trước đây, đất này trồng sắn, dưa hấu, khoai lang… thu nhập chưa tới 20 triệu đồng mỗi năm”.
Anh Dũng đang tiếp tục thực hiện các bước hoàn thiện sản phẩm để giới thiệu ra thị trường, lấy ý kiến người tiêu dùng. Định hướng phát triển sản phẩm từ sâm là làm túi lọc, tinh chất bột sâm, sâm sữa dừa, sâm ca cao… “Bởi tất cả đây là những nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tôi muốn làm những sản phẩm trên chính quê hương mình” – anh Dũng nói với vẻ quyết tâm.
Với giải pháp đất của dân cho thuê, doanh nghiệp đầu tư 100%, người dân chỉ tham gia chăm sóc, ra công sản xuất và có thể đàm phán cùng doanh nghiệp với khoản thu nhập từ cho thuê đất cao hơn với mức thu nhập thường ngày của họ từ 20 – 30%. Sản phẩm được doanh nghiệp thu lại và đưa vào nhà máy chế biến, đóng gói để tạo thành phẩm và đưa ra thị trường theo quy trình khép kín. Có thể nói, với cách xây dựng vùng nguyên liệu tập trung từ việc thuê đất trong dân, để sản xuất tập trung theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật là một trong những chủ trương đang được tỉnh khuyến khích, cũng như việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nhận định về giá trị sâm đất, ông Huỳnh Kỳ Trân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao), Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Đây là loại dược liệu quý có nhiều tính dược quý như giúp hạ huyết áp, giải độc gan, giảm nám da, giải nhiệt cơ thể, giúp ăn được, ngủ được, tăng cường sinh lực cơ thể…”.