Giỏ hàng

Gia nhập đội ngũ doanh nhân thế giới

BDK - LTS: Tại giao lưu trực tuyến với mạng lưới chuyên Hoa Kỳ (Vietnamese Professional Network) vừa qua, với chủ đề: “Công ty Dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre gia nhập đội ngũ doanh nhân thế giới bằng cách nào?”, CEO Đặng Đức Thành - Tổng giám đốc Học viện Khởi nghiệp (KN) Thành Công (ISS), Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có nhiều chia sẻ. Sau đây là lược trích của tác giả gửi đến Báo Đồng Khởi, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Dây chuyền sản xuất nước nước đóng lon của Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: Hữu Hiệp

“Làm giấy thông hành đi toàn thế giới”

Các nước trồng dừa nhiều gồm có Thái Lan, Philippines… nhưng dừa Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng vì thơm ngon. Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Công ty Lương Quới) đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 30 nước, trong đó có các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản; đang từng bước trở thành thương hiệu về sản phẩm dừa hàng đầu thế giới. Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty Lương Quới cho biết: Chúng tôi chỉ tập trung làm cho được một việc là “làm giấy thông hành đi toàn thế giới” và đến nay công ty đã làm được điều đó.

Nhà máy sản xuất với diện tích trên 5ha, cung ứng ra thị trường hơn 50 ngàn tấn sản phẩm mỗi năm gồm nước dừa UHT, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa nguyên chất, dầu dừa tinh luyện, cơm dừa nạo sấy, bơ dừa, dừa sấy giòn… bằng nhãn hiệu Vietcoco. Tất cả đều được USDA (thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) chứng nhận Organic.

Năm 2018, công ty đạt doanh số 1.038,3 tỷ đồng (khoảng 45 triệu USD), tăng 6,1 lần so với năm 2013 (170 tỷ đồng) và tăng 24% so với năm 2016 (838,4 tỷ đồng).

Ít ai biết rằng trước đây cây dừa đã có thời gian người nông dân phải chặt bỏ vì giá dừa trái rất thấp. Qua cách làm của Công ty Lương Quới, trái dừa đã trở thành thương hiệu quốc gia. Người nông dân có đời sống khá lên, yên tâm trồng dừa bán cho Công ty Lương Quới ổn định (theo tiêu chuẩn Organic). Hiện nay, Công ty Lương Quới không đủ hàng để cung cấp (bán hàng) xuất khẩu đi các nước.

Bài học kinh nghiệm từ sự thành công

Theo đúc kết, để KN thành công cần phải có (xây dựng) một đề án kinh doanh (KD) khả thi. Muốn có đề án KD khả thi phải xây dựng chiến lược KD, kế hoạch KD khả thi. Căn cứ chiến lược KD, kế hoạch KD hoàn chỉnh doanh nghiệp (DN) sẽ có 4 cái lợi: tránh được những quyết định đầu tư mạo hiểm (ngoài kế hoạch KD); sử dụng kế hoạch KD điều phối toàn bộ hoạt động của công ty, bám sát các mục tiêu cụ thể; kế hoạch KD cụ thể, tỉ mỉ nhanh chóng trở thành yêu cầu tài chính, đáp ứng được yêu cầu hầu hết các ngân hàng cho DN vay tiền, hoặc mời gọi những cổ đông mới góp tiền vào DN; hoạch định chiến lược KD như là cái la bàn giúp DN biết được lộ trình, mục tiêu trong hành trình KD, và đó chính là yếu tố quyết định tạo nên thành công của mỗi công ty, mỗi DN.

Cách nào để đề án KD trở thành khả thi? Khi xây dựng đề án KD chú trọng 3 điểm: đề án KD phải bao hàm yếu tố đổi mới, sáng tạo (chưa mới, chưa sáng tạo thì làm lại tạo sự khác biệt so với DN cùng ngành). Lựa chọn, xác định ngành nghề KD phải là ngành “thời”, ngược lại nếu chọn ngành “hết thời” (thị trường không có nhu cầu) thì cái chết đã được báo trước, thất bại. Phần triển khai thực hiện đề án KD: điều kiện tiên quyết phải thành lập công ty cổ phần. Bài học kinh nghiệm từ sự thành công của Công ty Lương Quới là thành công từ tầm nhìn chiến lược, từ chiến lược KD và từ mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ.

Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm dừa của Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới được trưng bày tại một hội nghị do UBND tỉnh tổ chức.  Ảnh: C.Trúc

Xu thế của người tiêu dùng thế giới ngày nay là ăn sạch, uống sạch tránh thực phẩm bẩn; sử dụng thực phẩm hữu cơ (Organic). Do đó, việc đầu tiên là phải triển khai xây dựng sản xuất thực phẩm Organic: dừa Organic. Để có được thực phẩm dừa Organic, Công ty Lương Quới đã chọn USDA chứng nhận, và đây chính là giấy thông hành đi toàn thế giới.

Để được USDA cấp giấy chứng nhận dừa Organic, Công ty Lương Quới phải kiên trì, mạnh dạn đầu tư từ khâu sản xuất đến đóng gói theo công nghệ mới, tuân theo chuẩn mực quốc tế. Kết quả là toàn bộ sản phẩm dừa Bến Tre của Công ty Lương Quới với thương hiệu Vietcoco ngay lập tức đã được hệ thống siêu thị lớn nhất nước Mỹ mua hàng. Thương hiệu sản phẩm Vietcoco đã đi vào thị trường thế giới rất dễ dàng, dừa không đủ bán.

Đi tắt bằng cách làm sáng tạo

Sản phẩm nông nghiệp của Bến Tre không phong phú như một số tỉnh, thành phố khác, nhưng tỉnh đã biết lựa chọn cây dừa và sản phẩm từ dừa làm sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Tỉnh tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu sạch Organic; hỗ trợ DN nâng cao giá trị sản phẩm dừa để xuất khẩu.

Từ một trái dừa bình thường, chỉ có giá trị giải khát ở Việt Nam, với cách làm sáng tạo, trí tuệ của Công ty Lương Quới, sản phẩm dừa Lương Quới đã trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia và đang từng bước trở thành sản phẩm dừa thương hiệu số 1 thế giới.

 Cách duy nhất để DN Việt Nam hội nhập thành công là sáng tạo, không có sáng tạo đa phần thất bại. Trước hết là lựa chọn các sản phẩm thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương. Thứ hai là tập trung cho các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế, ví dụ nông sản phải là hữu cơ (Organic); thuốc, sản phẩm chức năng phải từ vùng nguyên liệu sạch. Thứ ba là phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Thứ tư là huy động vốn đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất; cách thức tốt nhất là qua công ty cổ phần và thị trường chứng khoán. Thứ năm là lấy các chứng chỉ quốc tế. Chẳng hạn muốn xuất khẩu các thực phẩm, thuốc chữa bệnh vào Mỹ phải có chứng nhận của FDA - Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ.

DN Việt Nam có thể vượt qua thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, không nhất thiết phải bằng công nghệ cao, phải có nhiều tiền… mà có thể đi tắt bằng cách làm sáng tạo Việt Nam. Đó là cách đi lên bằng chính thế mạnh của các sản phẩm Việt Nam; đón đầu các xu thế tiêu dùng của thế giới (xanh, sạch, nguồn gốc thiên nhiên…). Phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đạt chuẩn quốc tế được bảo đảm bằng “visa thông hành quốc tế” kiên trì marketing sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Đặng Đức Thành (Báo Đồng Khởi)

Icon-Zalo Zalo Icon-Messager Messenger Icon-Youtube Youtube backtotop Lên đầu trang