DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO - BẢO TỒN, NHÂN RỘNG, PHÁT TRIỂN VÀ THƯƠNG MẠI HÓA SA SÂM VIỆT
13/03/23
Tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần thứ 4 năm 2018, với chủ đề: “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP HCM - BSA cùng các đối tác chiến lược tổ chức, cuộc thi thu hút 159 dự án, ý tưởng tham gia. Sau vòng bán kết, Bến Tre có 07 dự án lọt vào vòng chung kết trong tổng số 11 dự án của khu vực ĐBSCL. Một số dự án của Bến Tre được đánh giá rất cao cho ngôi quán quân. Trong đó, có dự án: "Bảo tồn, nhân rộng, phát triển và thương mại hóa Sa Sâm Việt" của Công ty Cổ phần Sa sâm Việt, do ông Phù Tường Nguyên Dũng làm Tổng Giám đốc. Đây là kết quả của quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một loài tài nguyên bản địa quý báu của vùng đất Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Thu hoạch Sa sâm
Cách đây 10 năm, ông Phù Tường Nguyên Dũng đã nghe nói và biết đến cây sa sâm, một loại cây bản địa, phát triển nhiều ở vùng giồng cát ven biển huyện Thạnh Phú. Biết là vậy, nhưng vị Tổng giám đốc trẻ này chưa có dịp nghiên cứu. Mãi đến khi phong trào khởi nghiệp do Tỉnh ủy phát động cùng với suy nghĩ, tại sao có sâm Ngọc Linh Việt Nam, sâm Hàn Quốc, sâm Triều Tiên, trà Mat-cha Nhật Bản… Trong khi đó, Bến Tre có một loại sâm quý nhưng chưa được nghiên cứu sâu, làm cho cây bản địa này trở thành một thương hiệu Sâm Việt. Từ những suy nghĩ, trăn trở như thế, doanh nhân Phù Tường Nguyên Dũng quyết định bắt tay vào thực hiện Dự án: “Bảo tồn, nhân rộng, phát triển và thương mại hóa cây Sa sâm”
Sa sâm có tên khoa học học là Launaea Sarmentosa, thuộc họ Cúc. Sa Sâm được cho là cây “nhân sâm” quý. Từ lâu, cây đã phát triển tốt trên vùng đất giồng cát ven biển ở huyện Thạnh Phú. Đây là loại cây thảo có sức sống tốt, phần gốc rễ hơi dày, có hình trụ tròn, đôi khi phân nhánh và to hơn phần thân, thân dài 20-30cm, mảnh, mọc bò, đâm rễ và mang hoa ở các đốt. Lá mọc thành hình hoa thị ở gốc, chia thuỳ lông chim, dài 3-8cm, rộng 5-15mm, thon hẹp dần ở gốc, thùy tận cùng hình tam giác lớn hơn, các thùy bên hình tam giác, tù, các thùy gốc càng xuống càng hẹp dần. Cụm hoa đầu màu vàng, ở gốc cây hoặc ở các đốt, có cuống ngắn, thường mọc đơn độc hoặc thành ngù ít hoa. Quả bế hình trụ, có mào lông dễ rụng.
Trang trại sa sâm VietGAP
Trước khi có Dự án nghiên cứu của Công ty Cổ phần Sa Sâm Việt thì chưa có một nghiên cứu khoa học mang tính hệ thống về loài cây này, chỉ biết rằng, đây là vị thuốc nam, được bà con thu hái vào hai thời điểm chính, vào các tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến 9 để làm thuốc, phục vụ trong gia đình. Về tính tính vị, công năng thì sa sâm nam có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, vào kinh phế, có tác dụng bổ, mát phổi, giảm ho, long đờm, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, sa sâm là loại cây có giá trị cao về y – dược, được dùng nhiều trong y học cổ truyền, toàn bộ thân, rễ, lá của cây đều được sử dụng. Trong sa sâm có một dược chất quý đó là Saponin. Ngoài ra, sa sâm còn chứa nhiều hợp chất quý như tinh dầu, acid triterpenic, β-sitosterol, polysaccharid, nhiều dẫn chất coumarin, dẫn chất của psoralen và scopoletin… có tác dụng giãn mạch, tăng trương lực cơ tim, trừ đàm và kháng trực khuẩn. Theo y học cổ truyền thì sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác động vào kinh phế, vị. Công dụng dưỡng âm thanh phế, tả hỏa, chỉ thấu, ích vị sinh tân. Điều này cho thấy, sa sâm là vị thuốc nam quý, đã và đang được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền.
Một số báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ tìm thấy trong Launaea Sarmentosa người ta tìm thấy một số hoạt chất như Saponin triterpen 3-O cho tác dụng kháng một số loại nấm, hopenol b, glutenol, các hợp chất phenol và fllavonoid acid gallic, quecertin. Năm 2002, một nghiên cứu liên kết giữa Việt – Nhật tìm kiếm tác dụng chống oxi hoá từ 77 loài thảo dược tại nước ta, trong đó có Launaea sarmentosa. Đến 2010, nghiên cứu thuộc trường Đại học Gulbarga, Ấn Độ so sánh tác dụng chống oxi hoá của các loại dịch chiết lá Sa Sâm. Kết quả cho thấy rằng, dịch chiết ethanol từ lá của Launaea sarmentosa được xem là có tiềm năng cho tác dụng chống oxy hoá tốt hơn cả.
Năm 2013, các đặc tính dược học của rễ cây Launaea sarmentosa được nghiên cứu và công bố các đặc tính về hình thái giải phẫu rễ và các phân tích định tính. Việc sàng lọc sơ bộ cho thấy sự hiện diện của các hợp chất alkaloids, tannin và steroid, v.v. Nghiên cứu cũng đã tìm hiểu và khẳng định cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào về cây trồng này trên thế giới. Nguồn thông tin duy nhất hiện có được giữ bởi người bản xứ và các bác sĩ y học cổ truyền.
Đến năm 2014, một nhóm nghiên cứu người Banglades lại tiếp tục tiến hành đánh giá tác dụng giảm đau, chống sốt rét và chống viêm của chiết xuất methanolic từ thân, vỏ cây và lá của hai loài Launaea sarmentosa và Aegialitis rotundifolia. Kết quả nghiên cứu đề xuất rằng chiết xuất methanol của Launaea sarmentosa và Aegialitis rotundifolia có tác dụng dược lý phụ thuộc liều phụ trợ cho việc sử dụng điều trị của nó trong y học dân gian có thể qua trung gian thông qua việc ức chế hoặc ngăn chặn phóng thích prostaglandin hoạt động của các chất phóng xạ như histamine, serotonin và kinin.
Từ những kết quả phân tích đánh giá như đã nêu trên, Công ty Cổ phần Sa Sâm Việt đã tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các dòng sản phẩm từ sa sâm Việt với mong muốn khởi nghiệp từ chính mảnh đất quê hương Đồng Khởi, xây dựng thương hiệu từ chính những sản phẩm bản địa, đồng thời mong muốn có thêm một số sản phẩm mới, có tính khác biệt, đặc trưng của Bến Tre. Từ đó, Công ty Cổ phần Sa Sâm Việt đã thuê 1,5 ha đất tại ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú để làm trang trại trồng cây sa sâm nguyên liệu.
Bài, ảnh: Cao Đẳng - Đài Phát thanh Truyền hình Bến Tre