Ứng dụng khoa học, công nghệ xây dựng mô hình liên kết trồng và phát triển sản phẩm từ Sa Sâm Việt trên địa bàn huyện Thạnh Phú
Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đặc biệt là ứng dụng sinh học và công nghệ sinh học trong nghiên cứu phát huy tài nguyên dược liệu, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xây dựng nguồn nguyên liệu và hiện đại hóa y học cổ truyền là yêu cầu tất yếu trong tình hình hiện nay.
Theo Cục Quản lý y, dược cổ truyền - Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50-60 nghìn tấn dược liệu, sử dụng vào việc chế biến các vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Mặc dù có tiềm năng, thế mạnh lớn, nhưng Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh trong nước, còn lại 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Ở tỉnh Bến Tre, với chiều dài bờ biển trên 65km, ngành KH&CN tập trung tổ chức nghiên cứu và khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng để phát triển các nhóm cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trên vùng đất cát ven biển. Năm 2016, tỉnh phát động Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thực tế
Thời gian qua, Bến Tre rất quan tâm đến việc xây dựng và đến nay cơ bản hoàn thiện 08 chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đặc biệt, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc phát triển cây dược liệu và coi đây là cây trồng góp phần xóa nghèo “bền vững” cho người dân nông thôn, nhất là trên địa bàn một số xã ven biển của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Thông qua chương trình ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN của tỉnh, Công ty Cổ phần Sa sâm Việt (nay là Tập đoàn Ssavigroup) triển khai Dự án “Bảo tồn, nhân rộng, phát triển và thương mại hóa Sa Sâm Việt tại tỉnh Bến Tre”, Dự án của công ty đã đạt giải nhì vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp cấp quốc gia năm 2018 do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Trước yêu cầu bức thiết về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phát triển dược liệu, Tập đoàn Ssavigroup lựa chọn cho mình hướng đi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để thúc đẩy phát triển các vùng trồng nguyên liệu. Đồng thời mạnh dạn đầu tư thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ Sa sâm Việt với mong muốn xây dựng thí điểm mô hình nông nghiệp nông thôn, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Tạo ra sản phẩm thực phẩm chức năng từ Sa Sâm Việt chất lượng ổn định, có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Đồng thời, tạo đầu ra ổn định, thúc đẩy ngành trồng dược liệu ở địa phương phát triển, giải quyết việc làm nông thôn và tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Mô hình cánh đồng dược liệu Sa Sâm
Tập đoàn Ssavigroup được tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết trồng và phát triển sản phẩm từ cây Sa Sâm Việt theo chuỗi giá trị, đặc biệt là hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… Và đến nay, Công ty đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN, đồng thời là Doanh nghiệp tiêu biểu ứng dụng khoa học và công nghể của tỉnh năm 2018 -2019. Công ty đã thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển ứng dụng tài nguyên Dược liệu Việt Nam, huy động các nguồn lực, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học để tập trung nghiên cứu ở các lĩnh vực về Khoa học y, dược và sức khỏe (Y học dân tộc, cổ truyền; Dược lý học; Dược liệu học; Cây thuốc; Con thuốc; Thuốc Nam; Thuốc dân tộc; Hóa dược học; Bào chế; Dược học cổ truyền; Thực phẩm chức năng và các dịch vụ KH&CN). Đồng thời, hỗ trợ phát triển hoạt động Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thực tế gắn với các Trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nga, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ứng dụng tài nguyên Dược liệu Việt Nam cho biết, ngay sau khi Viện được thành lập đã tổ chức thành công Hội thảo cấp quốc gia tại Hà Nội với chủ đề: “Cây Sa sâm Việt – Dược liệu quý của Việt Nam”. Hội thảo giới thiệu quá trình nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu ở huyện Thạnh Phú, công bố kết quả nghiên cứu các nhóm hoạt chất có trong sa sâm nam, bào chế và sản xuất các sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, hội thảo được các nhà quản lý, nhà khoa học, các đối tác và người sử dụng sản phẩm chia sẻ, đóng góp ý kiến, ký kết hợp tác nghiên cứu sâu hơn, rộng hơn, góp phần tạo ra các sản phẩm mới tốt hơn phục vụ sức khỏe cộng đồng và hướng đến xuất khẩu. Trong thời gian tới, Viện tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng các loại dược liệu khác, tạo nguồn dược liệu đa dạng, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu để chế biến các sản phẩm dược liệu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Ở góc độ địa phương, hướng đi của Công ty là phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để phát triển cây trồng mới trên vùng đất cát, nghèo dinh dưỡng ở ven biển, thay thế dần những cây trồng có giá trị kinh tế thấp, không ổn định như hoa màu, thuốc lá, dưa hấu …, từng bước hình thành “cánh đồng dược liệu Sa Sâm Việt” gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống của bà con nông dân. Đồng thời, phù hợp với mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Một là, phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Hai là, quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị; giữ gìn, phát huy và tăng cường bảo hộ vốn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc.
Riêng tại khu vực các xã ven biển Thạnh Phú còn có nhiều khả năng về đất đai, lao động… để khai thác, nuôi trồng nhiều loại dược liệu, có giá trị kinh tế cao, trong đó đáng chú ý là cây Sa Sâm Việt, hiện đang thích nghi, sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất này. Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược và Mỹ phẩm Sa Sâm Việt đã tập trung xây dựng được các mô hình trồng, chế biến sản phẩm dược liệu từ cây Sa Sâm Việt. Mô hình bước đầu thành công đã tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương nhưng nhìn chung mô hình dự án cũng còn ở qui mô nhỏ, cần được nhân rộng mô hình chuyển giao cho dân để tạo vùng nguyên liệu lớn, mở rộng liên kết thông qua các hình thức hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, hiệp hội...).
Do đó, để xây dựng mô hình liên kết đạt hiệu quả, bền vững, ông Phù Tường Nguyên Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược và Mỹ phẩm Sa Sâm Việt cho biết: Trước hết, phải xác định rõ nhu cầu của các bên tham gia, sự chung tay của các ngành và sự nỗ lực của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất để đơn vị tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất, chế biến sản phẩm.
Thứ hai là, tỉnh quan tâm có chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu “Sa Sâm Việt” theo hướng liên kết tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... liên doanh đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.
Thứ ba là, trong phát triển vùng trồng, công ty sẽ tạo điều kiện ban đầu, hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vốn cho người nông dân. Ngoài ra, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tổ chức KH&CN nghiên cứu tìm tòi về giống, kỹ thuật, đầu tư, chăm sóc, phương pháp, tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nhu cầu bào chế dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng trong phòng chữa bệnh cho nhân dân. Liên kết, hợp tác, gắn nghiên cứu phát triển sản phẩm với thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tạo đầu ra ổn định, bảo đảm thu nhập và nâng cao đời sống của người dân có thêm động lực để tập trung trồng, phát triển cây dược liệu, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng cho công ty thực hiện nghiên cứu và sản xuất.
Thứ tư là, Công ty đặt hàng các nhà khoa học các nhiệm vụ KH&CN tập trung nghiên cứu xây dựng bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn phục vụ cho việc phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của loài dược liệu Sa Sâm Việt này, hướng đến xác định các yếu tố “khác biệt” tích cực để hình thành chỉ dẫn địa lý sa sâm cho địa bàn huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Thứ năm là, kiến nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tiếp cận các chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay và đất đai… để xây dựng cơ sở hạ tầng KH&CN sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại, phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển dược liệu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả: Huỳnh Cao Thọ - Sở Khoa học và Công nghệ